Kinh Nghiệm Lựa Chọn Mặt Hàng Xuất Khẩu Nông Sản

kinh-nghiệm-tìm-mặt-hàng-xuất-khẩu-nông-sản

Nối tiếp cho phần một mình đã chia sẻ kinh nghiệm về mặt hàng xuất khẩu dệt may. Trong phần hai này, mình sẽ chia sẻ thêm một mặt hàng nữa mà mình nghĩ là rất nhiều người có hoài bão lớn lao về nó.

Mình cũng từng như thế, trước khi tìm hiểu về xuất khẩu mặt hàng này, mình cũng đã từng trăn trởi, tham gia các hội nhóm khởi nghiệp về lĩnh vực này.

Thậm chí còn có ý định bỏ việc để lên Măng Đen hay đi Israel để học tập, làm và nghiên cứu về nó.

Nới tới đây chắc các bạn đã phần nào đoán ra mình đang nói về mặt hàng gì rồi phải không ạ.

Đó chính là nông sản!!!

Một sản phẩm rất gần gũi và thân quen với nhiều người nhưng mình tin bài viết của mình sẽ cho các bạn có thêm những góc nhìn mới về mặt hàng xuất khẩu nông sản.

Mặt hàng xuất khẩu: Nông Sản

mặt hàng xuất khẩu nông sản

Mình tin rằng nhiều người thuộc thế hệ 9X như mình sẽ không quá xa lạ với những hình ảnh đồng ruộng, vườn rau hay vườn cây anh trái.

Thậm chí, từ khi còn nhỏ, không ít người cũng từng phải phụ giúp gia đình trong các công việc nông nghiệp này.

Cũng sẽ nhiều người cảm nhận được cái khó khăn, vất vả mà người nông dân phải đối mặt hàng ngày.

Để rồi trong tâm trí lúc chọn trường đại học, ắt hẳn sẽ có nhiều bạn gạt bỏ ngay trong đầu khái niệm các ngành học về nông lâm.

Hầu hết chỉ hướng đến kinh tế, ngoại thương, ngân hàng, kỹ thuật, y khoa….

Đó là điều hết sức bình thường và hoàn toàn chính đáng.

Mình cũng như thế, con nhà nông chính gốc: làm ruộng, trồng rau, nuôi heo. Nên lúc chọn trường mình luôn tâm niệm phải bằng mọi giá cố gắng thi đậu vào trường kỹ thuật hoặc kinh tế.

Tuy nhiên, đã có thời gian khi còn theo học ngành đóng tàu, mình lại thích tìm hiểu về nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp ở Măng Đen hay đi Israel.

Tuy nhiên tất cả cũng chỉ dừng lại ở mức đó. Vì mình không nhìn thấy giải pháp trong các mô hình đó.

Nó quá lý thuyết và đòi hỏi đầu tư rất nhiều cả về tiền bạc, công sức và kiến thức.

Tuy nhiên, mình luôn nhận thức rằng, nếu có cơ hội, mình vẫn muốn làm “một cái gì đó” giúp đỡ người nông dân nói riêng và nền nông nghiệp nói chung.

Nên khi có ý tưởng về xuất khẩu, mặt hàng mình nghĩ ngay đến đó là nông sản….

Các mặt hàng xuất khẩu nông sản cần kể đến…

farm chuối

Nông sản là ngành có rất nhiều mặt hàng đã và đang được xuất khẩu như: gạo, hạt điều, ngô, sắn lát, tinh bột sắn, dừa, cà phê, tiêu, chè, quế hồi, tỏi, ớt, thanh long, xoài, sầu riêng, chuối…..

Trong đó, riêng mặt hàng gạo thì muốn xuất khẩu, các bạn cần phải có giấy phép được xuất khẩu gạo (theo mình được biết thì nó liên quan đến vấn đề an ninh lương thực nên quản lý khá chặt).

Do đó, nếu bạn đang định khởi nghiệp xuất khẩu nông sản thì nên bỏ qua mặt hàng này.

Còn các mặt hàng khác thì hầu như không có quá nhiều các tiêu chuẩn quản lý khắt khe.

Lợi thế của mặt hàng xuất khẩu nông sản

Việt Nam thuộc khí hậu nhiệt đới nên rất đa dạng về chủng loại nông sản. Đặc biệt có những loại trái cây rất đặc trưng và chỉ có ở vùng nhiệt đới như sầu riêng, thanh long, chanh leo….

Thổ nhưỡng của nước ta phù hợp với nhiều loại cây trồng. Điều này giúp nông sản được đánh giá cao về độ ngon và chất lượng.

Cha ông ta bao đời làm nông nên có kinh nghiệm sản xuất cùng với việc phát triển của khoa học đã giúp sản lượng nông sản tăng lên dáng kể. Nếu không gặp thiên tai thì sản lượng nông sản của chúng ta luôn dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ liên tục và quanh năm cho xuất khẩu.

Chúng ta lại nằm cạnh một anh khổng lồ ăn nhiều là Trung quốc nên có lợi thế rất nhiều so với các nước khác về xuất khẩu mặt hàng này sang Trung quốc. Khi mà thời gian vận chuyển của ta ngắn hơn – một vấn đề then chốt trong việc quyết định xuất khẩu nông sản.

Thực tại của mặt hàng xuất khẩu nông sản

xuất khẩu tiểu ngạch

Nền nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, không có nhiều các trang trại, cánh đồng được đầu tư bài bản, khoa học.

Việc này gây khó khăn trong việc kiểm soát sự đồng đều về chất lượng nông sản. Nếu tìm hiểu thì có thể nghe nhiều về các trường hợp đối tác nước ngoài trả hàng về vì chất lượng không đồng đều và không đạt như cam kết hợp đồng.

Khâu thu hoạch và bao quản sau thu hoạch còn thô sơ

Việc này dẫn đến lượng nông sản bị hư hại không đạt chuẩn xuất khẩu cao. Điều này góp phần gây lãng phí, giảm lợi nhuận và giảm sự canh tranh khi phải tăng giá để bù đắp cho phần bị hư hại.

Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón dẫn đến nông sản không đạt chuẩn VietGap hoặc GlobalGap.

nông sản VietGap

Điều này khiến phần lớn nông sản không vào được các thị trường cao cấp như Nhật, Hàn, Châu Âu, Mỹ… Phần lớn nông sản chỉ được xuất sang Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và các nước Châu Phi – nơi mà mức độ quan tâm và đòi hỏi về các chỉ tiêu còn thấp.

Nền nông nghiệp bị phụ thuộc vào việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Nên rất dễ bị ảnh hưởng khi thi trường này gặp khó khăn. Điều này các bạn sẽ thấy rõ qua các chiến dịch “giải cứu nông sản” trên mạng xã hội.

Tong tương lai, Trung quốc sẽ hạn chế việc nhập khẩu tiểu ngạch nhằm quản lý nguồn gốc hàng hóa chặt chẽ hơn qua việc xuất khẩu chính ngạch.

Do đó, việc chuẩn bị và chuyển dần sang xuất khẩu chính ngạch là hướng đi tất yếu.

Thêm một lý do nữa đó là xuất khẩu tiểu ngạch chỉ đáp ứng được một vùng nhỏ phía giáp biên giới.

Bởi nếu tiếp tục vận chuyển bằng đường bộ vào sâu trong Trung quốc đại lục sẽ làm tăng chi phí vận chuyển.

Thay vào đó, việc xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển sẽ giải quyết được vấn đề trên thông qua việc tàu biển sẽ tiếp cận những cảng ở phía bắc Trung quốc với chi phí rẻ hơn so với việc vận chuyển đường bộ.

Nông sản xuất khẩu chủ yếu dưới dạng tươi.

Đây đa phần là hình thức chưa có giá trị cao và rất dễ gặp rủi ro về hư hại.

Các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh

Thay vì đầu tư chế biến nông sản, tăng thêm giá trị để bán được giá lại quay qua cạnh tranh về giá bán. Sau đó quay sang ép lại phía nông dân.

Khoảng cách địa lý từ Việt Nam sang Châu Âu và Mỹ khá xa.

Vấn đề lớn khi xuất khẩu nông sản dạng tươi là thời gian sử dụng. Thời gian dử dụng sẽ bị ngắn lại khi thời gian vận chuyển bị kéo dài. Một số giải pháp được sử dụng là dùng máy bay nhưng chi phí bị đội lên rất cao, không phù hợp với số lượng lớn. Nên mặc dù rất muốn thì thị trường Châu Âu và Mỹ vẫn rất khó tiếp cận.

Sự cạnh tranh từ các nước trên thế giới

Không chỉ mình nước ta xuất khẩu nông sản. Trên thế giới hiện có rất nhiều nước khác cũng đang xuất khẩu, cạnh tranh thị phần với chúng ta như: Thái lan, Philipine, Indonesia, Malaysia, Pakistan, Brasil….

Lựa chọn mặt hàng xuất khẩu nông sản như thế nào???

Nên lựa chọn sản phẩm nông sản của địa phương bạn hoặc vùng lân cận

Điều này giúp bạn dễ dàng tìm hiểu về đặc tính sản phẩm, mùa vụ cũng như cập nhật nhanh nhất giá cả của sản phẩm đó. Đặc biệt là nông sản – sản phẩm có sự biến động về giá liên tục.

Tìm hiểu giá xuất khẩu của mặt hàng nông sản bạn quan tâm

Để tránh tình trạng tốn công tìm hiểu mặt hàng nông sản mà xuất khẩu còn thấp hơn giá trong nước. Bạn nên tìm hiểu trước giá xuất khẩu của một loại nông sản.

Sau đó đi khảo giá trong nước và thử thương lượng xem liệu có mua được với mức giá mà bạn cho là có lãi. Sau đó mới tập trung tìm hiểu kỹ hơn về mặt hàng nông sản đó

Bởi bản chất mà nói dù có tâm huyết hay đam mê mặt hàng nào đó mà xuất khẩu vẫn không có lãi thì cũng không thể nào mà lựa chọn sản phẩm nông sản đó.

Trong bài sau mà sẽ chỉ cách khảo giá xuất khẩu của các loại mặt hàng.

Nên bắt đầu khởi nghiệp xuất khẩu với mặt hàng nông sản khô

Nông sản tươi luôn có thời hạn sử dụng ngắn và yêu cầu khắt khe về thu hoạch, bảo quản và vận chuyển. Cho nên theo ý kiến cá nhân, việc bạn lựa chọn nông sản tươi để bắt đầu khởi nghiệp xuất khẩu là khá mạo hiểm.

Rất dễ gặp tình trạng hàng bị hư hỏng khi giao cho đối tác. Điều này khiến bạn gặp rất nhiều rắc rối nếu chưa có kinh nghiệm xử lý.

Ngoài ra, trong trường hợp tệ hơn là khách từ chối nhận hàng, bạn buộc lòng phải kéo hàng về. Trong tình cảnh này, rất có khả năng là hàng quay về thì cũng bị hỏng do quá thời gian sử dụng.

Vấn đề này sẽ ít gặp hơn nếu bạn lựa chọn sản phẩm nông sản khô. Có thể việc kéo hàng về cũng lỗ nhưng ít nhất hàng chưa bị hư và bạn vẫn còn cơ hội để bán cho người khác.

Nên chọn sản phẩm từ các trang trại, hợp tác xã

farm chuối xuất khẩu

Việc lựa chọn sản phẩm nông sản từ các trang trại, hợp tác xã giúp bạn có nguồn hàng với giá ổn định hơn cũng như chất lượng đồng đều.

Ngoài ra, việc dùng hình ảnh và quy mô của trang trại hay hợp tác xã giúp bạn gây được ấn tượng với đối tác hơn. Do đó cũng sẽ giúp bạn dễ chốt được đơn hàng.

Sau khi đã chốt được đơn rồi thì bạn muốn lấy hàng ở đâu chả được. Miễn là vẫn đảm bảo chất lượng.

Nên chọn thị trường dễ tính thay vì những thị trường cao cấp

Bạn chỉ đang bắt đầu khởi nghiệp xuất khẩu, lại không có trang trại và kinh nghiệm, thì việc cứ cố gắng tập trung vào các thị trường cao cấp như Hàn, Nhật, Châu Âu, Mỹ sẽ là vô cùng kho khăn để chốt đơn.

Thay vào đó hãy hướng đến những thị trường dễ tính với việc ít đòi hỏi các tiêu chuẩn khắt khe như Trung quốc hay Ấn độ.

Những thị trường này có thể mua với giá rẻ nhưng bù lại thường mua số lượng lớn và ít đòi hỏi các giấy tờ về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hướng đến sản phẩm sơ chế, có giá trị hơn

Những sản phẩm đã được sơ chế như dịch chanh dây, múi sầu riêng cấp đông, ớt ngâm, bột rau củ… luôn mang đến một giá trị cao hơn cũng như thời hạn sử dụng và vận chuyển lâu hơn so với hàng tươi cùng loại.

Ngoài ra, những sản phẩm sơ chế như trên tận dụng được những phần nông sản không đạt xuất khẩu tươi. Điều này góp phần giảm chi phí đầu vào và giúp tăng lợi nhuận hơn.

Có nên khởi nghiệp bằng xuất khẩu mặt hàng nông sản?

Theo ý kiến cá nhân của mình, nếu bạn chưa từng có kinh nghiệm về nông sản, chưa từng làm cho các công ty xuất khẩu nông sản hay gia đình chưa có kinh nghiệm xuất khẩu tiểu ngạch nông sản sang Trung Quốc thì không nên chọn mặt hàng này.

Với việc lựa chọn thị trường Trung quốc hay Ấn độ khi mới bắt đầu thì phần lợi nhuận các bạn kiếm được sẽ không cao. Tuy nhiên, rủi ro tiềm ẩn của mặt hàng này là khá lơn như mình đã phân tích ở trên.

Điều này khiến bạn dễ lâm vào tình cảnh bất lợi khi gặp trục trặc. Chẳng hạn như tiền lãi 3, 4 lô hàng suôn sẻ không đủ bù đắp cho 1 lô hàng bị hư hỏng.

Nên hãy cân nhắc thật kỹ về mặt hàng này.

Kết luận

Trên đây là những trải nghiệm mà mình có được khi tìm hiểu và nghiên cứu về mặt hàng xuất khẩu nông sản.

Hy vọng giúp được các bạn đang có ý định tìm hiểu và kinh doanh mặt hàng có thêm góc nhìn đa chiều.

Từ đó đưa ra được quyết định phù hợp hơn với bản thân.

Qua đây mình cũng xin gửi tặng các bạn đã xem bài viết này một file về “Quy Cách Chuối Không Đạt Chất Lượng Xuất Khẩu”.

Đây là file mình sưu tầm được từ một farm chuối trong quá trình tìm hiểu xuất khẩu mặt hàng này.

Đây là link tải.

Các bạn cũng có thể đọc thêm bài chia sẻ về mặt hàng gỗ:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *