Như mình đã chia sẻ trong bài viết trước thì việc lựa chọn mặt hàng xuất khẩu rất là quan trọng.
Nếu bạn chọn sai mặt hàng để xuất khẩu thì hiển nhiên cơ hội để các bạn xuất khẩu được mặt hàng đó mà có lãi tốt là gần như rất thấp.
Chưa kể sẽ tốn thời gian, tốn công các bạn tìm hiểu sản phẩm, hợp tác với xưởng cũng như hàng loạt các vấn đề khác.
Mình cũng đã từng như vậy!!! Tìm hiểu rất nhiều sản phẩm, tìm kiếm rất nhiều xưởng sản xuất, lắng nghe ý kiến rất nhiều người thì mới tìm ra được sản phẩm tiềm năng có thể xuất khẩu.
Đặc biệt nếu bạn khởi nghiệp với tư cách là một công ty thương mại, thì việc lựa chọn mặt hàng lại càng quan trọng.
Có những mặt hàng, giá xuất khẩu tiệm cận giá xưởng bán cho bạn thì nếu bạn vẫn quyết định lựa chọn sản phẩm đó thì gần như bạn chẳng có đồng lãi nào. Chưa tính đến chi phí vận chuyển, thuế và công sức của các bạn.
Để giúp các bạn giảm được những sai lầm, và tránh mất thời gian, công sức cho việc tìm mặt hàng xuất khẩu. Bài viết này mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm thực tế của mình về việc lựa chọn mặt hàng xuất khẩu.
Mặt hàng xuất khẩu: Dệt May
Dệt may trong thời gian dài qua vẫn luôn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đem lại nguồn thu ngoại tệ rất lớn cho đất nước
Các sản phẩm chính của ngành dệt may có thể kể đến như sau: T-Shirt, Jeans, Poloshirts, Jacket, Áo sơ mi, quần tây, khăn, đồ bảo hộ lao động, vest…..
Thế mạnh của mặt hàng dệt may
- Nằm ngay cạnh Trung quốc nên tận dụng được lợi thế về nguồn nguyên phụ liệu giá rẻ từ quốc gia này với chi phí vận chuyển thấp.
- Nguồn nhân lực giá rẻ nhưng khéo léo và cẩn thận
- May mặc luôn là nhu cầu muôn đời của con người nên nhu cầu thị trường luôn rất cao cho mặt hàng này.
Thực tại của mặt hàng dệt may
- Thực tế là hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đang làm gia công, rất ít doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp.
- Doanh nghiệp thuộc dạng vừa và nhỏ nên vẫn chưa tối ưu được chi phí sản xuất nên khó cạnh tranh về giá với các doanh nghiệp Trung quốc trong các đơn hàng số lượng lớn. Tuy nhiên chúng ta lại có thế mạnh về các đơn hàng vừa và nhỏ khi mà những đơn hàng này, các doanh nghiệp Trung quốc thường không mặn mà.
Phân tích thực tại hiện nay của mặt hàng xuất khẩu dệt may:
Phần thế mạnh chắc các bạn đã dễ hình dung nên mình xin tập trung phân tích kỹ hơn về thực tại của mặt hàng xuất khẩu dệt may.
Các bạn có thể dễ dàng nhận thấy là các doanh nghiệp dệt may lớn đều có những ông chủ là người trung quốc hoặc hàn quốc.
Vậy tại sao họ lại dám qua Việt Nam mở nhà xưởng để sản xuất hoặc đứng ra mua lại từ các xưởng gia công nhỏ của Việt Nam? Họ có phải là khách hàng nhập khẩu thực sự?
Về bản chất mà nói rằng khách hàng thực sự là những ông chủ ở Châu Âu, Mỹ. Những người này đưa đơn đặt hàng cho các ông chủ Hàn quốc và Trung quốc.
Những ông chủ Hàn, Trung quốc biết được nơi có nguồn vải và nguyên phụ liệu giá tốt cùng với việc họ có vốn hoặc được tạm ứng từ các ông chủ Châu Âu, Mỹ.
Họ tiến hành nhập khẩu vải và nguyên phụ liệu về Việt Nam và thuê lại các doanh nghiệp Việt Nam gia công.
Họ đứng ra kiểm soát quá trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Sau đó thì xuất đi thị trường Châu Âu, Mỹ.
Trong chuỗi sản xuất này, giá sử giá bán tới tay người tiêu dùng là 20$, thì những ông chủ Châu Âu, Mỹ kiếm lãi khoảng 7$ – 8$, những ông chủ Hàn, Trung kiếm khoảng 4$ – 5$, còn các doanh nghiệp Việt Nam gia công chỉ được 1$.
Còn số tiền còn lại thuộc về giá nguyên phụ liệu và vận chuyển, thuế…
Như vậy có thể thấy doanh nghiệp Việt Nam đang chiếm phần lợi nhuận thấp nhất. Nói cách khác đang là lấy công làm lời.
Tại sao lại vẫn tồn tại thực tại này trong mặt hàng xuất khẩu dệt may?
Vấn đề nằm ở vốn và mức độ rủi ro.
Các doanh nghiệp Việt Nam vốn nhỏ lại sợ rủi ro khi ra biển lớn. Họ thường chọn giải pháp an toàn là gia công và giao hàng lấy tiền ngay.
Theo cách này doanh nghiệp trong nước không phải bỏ vốn ra mua nguyên liệu. Hàng gia công xong giao ra khỏi xưởng là được thanh toán liền.
Do đó mức độ rủi ro rất thấp hoặc nếu có rủi ro cũng chỉ là mất tiền công.
Các ông chủ Châu Âu, Mỹ biết là đang mua qua trung gian là các ông chủ Hàn, Trung quốc với giá chưa phải là giá gốc nhưng vẫn chấp nhận điều này.
Bởi vì những ông chủ Hàn, Trung uy tín, kiểm soát được quy trình sản xuất.
Khi mua qua trung gian như vậy, các ông chủ Châu Âu, Mỹ không cần bận tâm về việc tìm mua nguyên phụ liệu. Họ chỉ việc kiểm soát thời gian giao hàng và chất lượng sản phẩm.
Cộng thêm giá bán đến tay người tiêu dùng cao nên việc chia sẻ lại một phần nhỏ lợi nhuận cho các ông chủ Hàn, Trung là điều hoàn toàn chấp nhận được.
Có nên chọn mặt hàng xuất khẩu dệt may để khởi nghiệp?
Như đã phân tích cơ cấu của ngành dệt may ở trên, nếu chúng ta thay thế vị trí các ông chủ Hàn, Trung quốc mà bán thẳng cho các ông chủ Châu Âu thì phần lợi nhuận sẽ tốt hơn rất nhiều.
Do đó nếu bạn đã và đang có xưởng may thì mình nghĩ nên cố gắng tìm cách tự mua nguyên phụ liệu và xuất khẩu thẳng cho các ông chủ Châu Âu, Mỹ.
Tất nhiên theo cách này bạn cần có vốn cũng như chấp nhận mức độ rủi ro nhất định chứ không thể yêu cầu khách phải cung cấp nguyên phụ liệu hoặc thanh toán ngay tại xưởng.
Còn nếu bạn muốn làm thương mại thì chỉ còn cách phải thay thế chỗ của mấy ông chủ Hàn, Trung trong chuỗi cung ứng trên.
Bạn sẽ cần phải liên hệ tìm mua nguyên phụ liệu, bỏ vốn ra thanh toán cho xưởng may sau đó xuất hàng và thu lại tiền từ khách Châu Âu, Mỹ.
Nhìn chung đã lựa chọn thương mại mặt hàng này, bạn nên là người từng làm việc và có mối quan hệ cũng như kiến thức tương đối tốt trong ngành này. Còn không thì mình thấy là khá rủi ro và khó khăn.
Rủi ro của mặt hàng này
Rủi ro boom hàng
Rủi ro lớn nhất mà mình nghĩ là việc khách boom hàng hoặc vì lý do nào đó mà từ chối nhận hàng.
Đặc thù ngành dệt may là mặt hàng theo size riêng cho mỗi vùng cũng riêng biệt về mẫu mã, chủng loại vải.
Do đó nếu gặp phải trường hợp khách từ chối thanh toán thì rất khó để bạn xuất khẩu cho khách hàng khác.
Để kiểm soát mức độ rủi ro này thì theo mình bạn nên cân nhắc chọn hình thức thanh toán LC.
Điều này sẽ giúp bạn kiểm soát được thanh toán ngay cả khi khách từ chối nhận hàng.
Rủi ro cố tình bắt lỗi để ép giá
Thêm một rủi ro nữa là trước khi sản xuất, đối tác có thể ứng trước 30% tiền hàng. Đến khi kiểm hàng trước khi xuất đi, đối tác cố gắng tìm ra lỗi để bắt sửa hoặc ép giảm giá bán từ 10% đến 20%.
Lúc này nếu không sửa thì mất 70% tiền hàng mà sản phẩm sản xuất theo size nước ngoài thì rất khó bán lại cho đối tác khác. Nên đành phải chọn giải pháp giảm giá. Coi như chấp nhận lỗ.
Trên đây là những kiến thức và kinh nghiệm mà rút ra được khi tìm hiểu về mặt hàng dệt may.
Hy vọng bài viết này hữu ích cho các bạn đang loay hoay tìm mặt hàng để xuất khẩu.
Mình sẽ tiếp tục chia sẻ 3 bài viết khác về mặt hàng nông sản, gỗ và năng lượng trong thời gian sắp tới. Mong các bạn theo dõi và đón đọc.