Kế hoạch khởi nghiệp kinh doanh là bài viết trong chuỗi bài “Khởi Nghiệp Cùng Tân“.
Đây là bài viết mình chia sẻ cái cách mình tự lên ý tưởng, kế hoạch khởi nghiệp, kế hoạch kinh doanh của chính bản thân mình.
Nếu bạn nào đang thắc mắc khởi nghiệp kinh doanh như thế nào thì mình hy vọng bài qua bài viết “Kế Hoạch Khởi Nghiệp Kinh Doanh” này sẽ giúp bạn có một cái nhìn tổng quát về các việc cần làm.
1. Xác Định Mục Tiêu Sau Cùng Của Kế Hoạch Khởi Nghiệp Kinh Doanh…
Theo mình, trước khi bắt đầu một việc gì, chúng ta cần xác định được mục tiêu sau cùng, mục tiêu chính mà chúng ta muốn đạt được khi lên kế hoạch khởi nghiệp.
Nếu có thể thì hãy cố gắng chi tiết hóa cái mục tiêu này.
Mục tiêu của bản thân mình:
Mục tiêu: thành lập và quản lý một công ty thương mại về xuất khẩu hoặc bán lẻ
Doanh thu: 1 tỷ mỗi tháng với lợi nhuận 20%.
Thời gian thục hiện: bắt đầu từ năm 2023
Giải thích mục tiêu:
Như các bạn thấy ở đây mình chọn hình thức khởi nghiệp là theo hướng thương mại. Tại sao mình chọn thương mại mà không phải sản xuất thì các bạn có thể xem lại bài phân tích trước đây của mình tại đây.
Lĩnh vực công ty mình đang phân vân giữa xuất khẩu hoặc bán lẻ. Tại sao mình lại phân vân như vậy? Bởi mình đã từng trải nghiệm qua lĩnh vực xuất khẩu nên cảm thấy khá khó đặc biệt với một người theo học kỹ thuật đóng tàu như mình.
Tuy nhiên mình chưa từ bỏ nó ngay nhưng cần thời gian để tìm hiểu thêm.
Còn về lĩnh vực bán lẻ, mình thấy dễ bắt đầu hơn nhưng vẫn chưa trải nghiệm qua. Mình sẽ đưa ra quyết định sau khi nghiên cứu thêm.
Về phần thời gian mình chọn bắt đầu từ 2023 bởi vì bản thân mình xuất phát điểm là kỹ sư đóng tàu. Mình dự định cần ít nhất 3 năm tìm hiểu và làm việc trong môi trường kinh doanh trước khi tiến hành làm.
Còn về phần doanh thu, mình nghĩ đây là mức hợp lý cho nhu cầu và nguyện vọng của bản thân mình. Không quá xa vời nhưng đáng để mình đánh đổi vùng an toàn của việc đi làm công mà khởi nghiệp.
Các bạn đừng quá tự ti mà chẳng đặt ra mục tiêu gì cả. Kiểu như “thôi cứ làm, đủ chi tiêu là được…”.
Mình cần đặt mục tiêu cụ thể, để từ đó lên kế hoạch cụ thể theo từng tháng, từng tuần, từng ngày.
Kiểm soát chỉ tiêu đề ra ngay lập tức theo mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng giúp bạn điều chỉnh được ngay kế hoạch của mình và dự đoán được kết quả cuối cùng.
Tránh cứ cắm đầu làm, tới cuối năm mới biết mình lời lãi thế nào!!!
Đây là điều mình học được khi đi làm cho công ty Hyundai Vinashin.
2. Phân Tích Những Điểm Mạnh và Điểm Yếu Của Bản Thân So Với Mục Tiêu Đã Đặt Ra…
Với mục tiêu đã đặt ra, mình nghĩ rằng bạn cần phân tích được bạn có được những cơ sở gì trong tay để thực hiện thành công điều đó.
Nói cách khác bạn có bao nhiêu “vốn liếng”: kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ, tiền…. để thực hiện mục tiêu đó.
Nếu còn thiếu thì liệu chúng ta có thể bổ sung hoặc nhận sự hỗ trợ hay thậm chí là hợp tác với người khác để bổ sung những “vốn liếng” còn thiếu đó.
Điểm mạnh và điểm yếu của bản thân mình:
Điểm mạnh:
- Tiếng anh tốt
- Nhanh nhẹn
- Giao tiếp tốt
- Khả năng tự học và tìm hiểu các kiến thức
- Được vợ ủng hộ nhiệt tình
Điểm yếu:
- Xuất phát điểm là kỹ sư đóng tàu, không có chuyên môn và kiến thức về kinh doanh hoặc xuất khẩu.
- Chưa đi làm trong lĩnh vực kinh doanh hoặc xuất khẩu nên thiếu kinh nghiệm
- Bạn bè quen biết chưa ai làm trong lĩnh vực này.
- Tài chính chưa nhiều (100 triệu).
- Gia đình lo ngại, không tin vào kế hoạch của mình
- Đang trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, mọi thứ bị ngưng trệ
Phương án giải quyết các điểm yếu
Bên cạnh tiếp tục trao dồi và phát huy những điểm mạnh. Mình bắt buộc phải tìm ra cách giải quyết các điểm yếu kia.
- Nghỉ việc đóng tàu tại công ty Hyundai-Vinashin để xin vào làm trong một công ty về Logistics. Việc này sẽ giúp mình có được kiến thức, kinh nghiệm và mối quan hệ trong lĩnh vực xuất khẩu. Đồng thời vẫn duy trì được thu nhập.
- Để có thêm kiến thức và kinh nghiệm bán lẻ, mình cần phải làm thêm một số việc tay trái như kinh doanh Amazon, Shopee, Facebook….
- Tiếp tục duy trì nghề môi giới xuất khẩu mặt hàng viên nén mùn cưa để kiếm thêm thu nhập và kinh nghiệm
- Tìm kiếm và phát triển thêm các mối quan hệ trong lĩnh vực kinh doanh thông qua mối quan hệ, giới thiệu của sếp.
- Trao đổi, giải thích thêm với gia đình. Nhưng nếu không được thì cứ tự làm. Chỉ cần vợ chồng đồng lòng là đủ.
- Tìm kiếm 1 người bạn đồng hành đáng tin (nếu đã có kinh nghiệm về lĩnh vực này thì càng tốt).
- Tranh thủ thời gian dịch bệnh để tìm hiểu và lên kế hoạch chi tiết hơn. Đợi sau khi hết dịch sẽ bắt đầu ngay.
Sau khi đã tìm ra hướng giải quyết, mình sẽ lên kế hoạch để thực hiện các giải pháp đó.
Kế hoạch này sẽ được mình trình bày trong phần 2.