Môi giới xuất khẩu là một công việc mà mình tự tìm ra sau một thời gian theo đuổi xuất khẩu nhưng chưa thành công. Sau này khi tìm hiểu nhiều hơn thì mình mới biết đây cũng là một nghề nghiêm túc và có vai trò khá quan trọng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Chia sẻ thẳng thắn luôn là mình vẫn chưa chốt được đơn hàng nào và hiện tại vẫn đang duy trì công việc này. Có lẽ do mặt hàng mình chọn khá khó và thị trường hiện đang không tốt. Tuy nhiên do hiện tại mình đang khá bận rộn với công việc bên logistics nên chưa có thời gian tìm hiểu mặt hàng khác.
Thêm một lý do nữa đó là vị khách mình đang theo đuổi thì khá thân thiết và họ thật sự rất muốn hợp tác xuất khẩu viên nén với mình. Ngoài ra khách cũng đang hỗ trợ mình về lĩnh vực logistics. Nên dù khá bận rộn nhưng mình vẫn cố gắng duy trì mối quan hệ với vị khách này.
I. Môi giới xuất khẩu là gì?
Môi giới xuất khẩu là một công việc mà người môi giới là một mắt xích trung gian trong mối quan hệ mua và bán giữa người bán và người mua. Công việc của người môi giới là kết nối những người có nhu cầu mua với những nhà cung cấp phù hợp.
Nói tới đây, chắc nhiều bạn sẽ thắc mắc là tại sao nhà cung cấp và người mua không tự làm việc với nhau hay tại sao người môi giới không tự mua lại của nhà cung cấp rồi bán cho người mua với giá cao hơn? Mình sẽ lần lượt giải thích qua những chia sẻ sau đây dựa trên những trải nghiệm và suy luận của chính mình.
II. Tại sao lại cần tới môi giới xuất khẩu?
Mình sẽ giải đáp thắc mắc này trên khía cạnh của nhà sản xuất và người môi giới để mọi người có cái nhìn đa chiều hơn.
1. Dưới góc nhìn của nhà xuất khẩu
Trong xã hội ngày càng chuyên môn hóa, thì việc tập trung vào một việc sẽ luôn tốt hơn là làm tất cả mọi việc.
Do đó, với việc là chủ một xưởng sản xuất, hàng ngày họ phải lo biết bao là công việc nên thời gian để tìm khách, trao đổi và giao dịch cũng hạn chế rất nhiều.
Ngoài ra, có rất nhiều anh chị là chủ xưởng sản xuất nhưng tiếng anh và nghiệp vụ xuất khẩu cũng hạn chế. Đặc biệt những chủ xưởng hiện chỉ quen sản xuất nội địa hoặc làm hàng xuất khẩu nhưng chỉ dừng ở mức bán lại cho các công ty thương mại trong nước.
Vì vậy nhu cầu cần một bộ phận sale hoặc hợp tác với môi giới là điều thiết yếu.
2. Dưới góc nhìn của người môi giới xuất khẩu
Bạn là người có ngoại ngữ và nghiệp vụ về xuất khẩu, lại có kinh nghiệm hoặc mối quan hệ với khách nước ngoài. Tuy nhiên, bạn không có xưởng sản xuất.
Ngoài ra, nếu bạn thành lập công ty thương mại để mua lại hàng hóa từ xưởng rồi xuất khẩu thì lợi nhuận không nhiều. Hoặc một số mặt hàng, khách nước ngoài chỉ muốn làm việc trực tiếp với xưởng chứ không phải công ty thương mại.
Hay đơn giản hơn, bạn chỉ là người đang tìm hiểu về xuất khẩu, muốn tìm thêm một công việc partime và muốn ít chịu rủi ro thì môi giới xuất khẩu là một phương án không hề tồi một chút nào.
III. Làm môi giới xuất khẩu như thế nào?
Bước 1: Lựa chọn sản phẩm xuất khẩu
Sản phẩm để lựa chọn làm môi giới xuất khẩu nên là sản phẩm mà bạn có nhiều kiến thức và kinh nghiệm nhất hoặc đơn giản sản phẩm đó là mặt hàng mà khách bạn đang có trong tay muốn tìm mua.
Nghĩa là nếu như bạn chưa có khách hàng, bạn sẽ chọn sản phẩm mà bạn tự tin có nhiều mối quan hệ và kinh nghiệm về nó nhất rồi tiến hành tìm khách hàng cho sản phẩm đó.
Hoặc đơn giản bạn có một người bạn bên nước ngoài đang tìm mua một mặt hàng nào đó ở Việt Nam thì bạn sẽ tiến hành tìm hiểu nguồn hàng cho sản phẩm đó.
Tùy theo tình huống của mỗi người mà lựa chọn sản phẩm cho phù hợp.
Bước 2: Tìm hiểu về sản phẩm xuất khẩu
Khi đã lựa chọn được sản phẩm mà bạn yêu thích và nghĩ là tiềm năng để làm môi giới, hãy tiến hành tìm hiểu kỹ hơn về nó:
- Các yêu cầu kỹ thuật của mặt hàng đó khi xuất khẩu
- Đặc điểm thị trường xuất khẩu của mặt hàng đó
- Giá xuất khẩu
- Các vấn đề liên quan trong quá trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển và sử dụng sản phẩm đó
- Thuế xuất khẩu
- Các giấy tờ cần thiết cho việc xuất khẩu
Bạn càng có nhiều kiến thức và kinh nghiệm thì việc tìm và hợp tác với xưởng sẽ dễ dàng hơn. Chỉ cần đi thăm xưởng là bạn có thể nhận định xưởng đó có khả năng làm được hàng xuất khẩu hay không. Ngoài ra, có nhiều kiến thức cũng giúp cho việc trao đổi và chào hàng cho đối tác nước ngoài cũng chuyên nghiệp hơn.
Nếu bạn chưa có quá nhiều kiến thức về sản phẩm đó, cũng đừng lo lắng hãy chấp nhận làm và trải nghiệm qua từng xưởng mà bạn gặp và qua từng khách mà bạn tìm được. Fail vài lô hàng sẽ giúp bạn có kinh nghiệm.
Còn hơn là cứ ngồi một chỗ mà suy nghĩ thì chả bao giờ bạn biết bạn có làm được hay không.
Đọc tới đây chắc nhiều bạn sẽ hỏi là tìm hiểu ở đâu những vấn đề trên?
Một là vào website Vietgo và các web B2B khác xem thông tin đơn hàng, xem các yêu cầu của khách với mặt hàng của mình.
Hai là gặp trực tiếp các anh chị chủ xưởng, nói chuyện, tâm sự với họ.
Ba là vào các group facebook về mặt hàng đó để xem các bài viết chia sẻ hoặc đăng bài nhờ tư vấn các kiểu.
Bốn là bạn tự nghĩ ra thêm các cách khác mà bạn cho là phù hợp.
Bước 3: Tìm xưởng sản xuất để hợp tác
Có 2 loại xưởng bạn sẽ gặp khi làm môi giới xuất khẩu:
- Một là xưởng đã có kinh nghiệm xuất khẩu trực tiếp: với xưởng này, công việc của bạn đơn giản hơn rất nhiều. Đó là chỉ cần tìm khách, phối hợp với xưởng để chốt đơn. Những vấn đề về nghiệp vụ xuất khẩu, báo giá, profile, hợp đồng, thanh toán… thì những xưởng này đã kinh nghiệm. Bạn không cần phải tư vấn quá nhiều mà đôi khi còn học được nhiều kiến thức từ họ. Tuy nhiên những xưởng như này thì hơi khó tìm và khó liên hệ. Bạn cần phải có nhiều mối quan hệ trung gian để có thể làm việc với những xưởng này.
- Hai là xưởng chưa có kinh nghiệm xuất khẩu trực tiếp: với xưởng này, công việc của bạn nhiều và khó hơn. Bạn phải tự làm profile cho xưởng, phối hợp làm báo giá, tự liên hệ đơn vị logistics để tính giá vận chuyển đường biển, tư vấn làm hợp đồng, thanh toán…. Tuy nhiên những xưởng như thế này thì họ rất quý và cần bạn nên bạn sẽ dễ dàng tìm kiếm. Bạn chỉ cần vào các group facebook về sản phẩm đó, đăng bài tìm xưởng hợp tác thì đã có rất nhiều xưởng cho bạn lựa chọn.
Bạn cần thăm nhiều xưởng, trao đổi nhiều với các anh chị chủ xưởng rồi chọn ra vài xưởng mà bạn cho là phù hợp và hỗ trợ bạn tốt trong các vấn đề liên quan để quyết định hợp tác.
Bước 4: Tìm khách hàng xuất khẩu
Phần này mình đã chia sẻ khá chi tiết trong bài viết trước, các bạn có thể tìm đọc theo link bên dưới:
Bước 5: Hỗ trợ xưởng tiếp khách, chăm sóc khách, kiểm soát tiến độ giao hàng và thanh toán
Khi đã tìm được khách hàng, bạn phải cùng với xưởng để lên kế hoạch chăm sóc khách, phối hợp với xưởng để giải đáp các yêu cầu của khách về sản phẩm, hàng mẫu, đóng gói, giao hàng, thanh toán….. Chỉ khi nào xưởng nhận được đủ tiền và khách hài lòng về sản phẩm thì vai trò của bạn mới hoàn thành. Tuy nhiên sau đó bạn cần tiếp tục duy trì để khách quay lại mua hàng trong lần tới hay tìm thêm các khách hàng mới.
Ngoài ra còn rất nhiều các vấn đề phát sinh khác mà mình cũng không thể liệt kê hết được. Mỗi người cần tự tư duy để giải quyết các vấn đề đó.
IV. Môi giới xuất khẩu cần làm gì để khách và xưởng không tự bắt tay nhau mà bỏ qua môi giới?
Câu trả lời cho câu hỏi này chính là hai chữ “giá trị”. Mình sẽ phân tích rõ hơn hai chữ “giá trị” theo hai góc độ sau:
Góc độ thứ 1: bạn làm môi giới những chỉ giới thiệu với khách bạn là sale cho xưởng.
Với vai trò như thế này, bạn hãy tạo ra giá trị của bản thân bạn đối với xưởng.
Nghĩa là hãy cho xưởng thấy được giá trị mà bạn mang lại cho họ, cho họ thấy rằng thay vì phải thuê và trả lương cho một nhân viên sale thì làm việc với một môi giới như bạn sẽ tốt hơn nhiều.
Ngoài ra với việc lấy tiền hoa hồng vừa phải thì cũng góp phần duy trì mối quan hệ giữa bạn và xưởng bền vững hơn.
Thậm chí, đôi khi việc không ký hợp đồng môi giới lại là cách tốt nhất để duy trì mối quan hệ này. Thay vào đối mối quan hệ giữa bạn và xưởng là mối quan hệ anh em, chú cháu. Việc có 1 cái hợp đồng đôi khi lại là rào cản cho mối quan hệ đó.
Với việc xây dựng 1 mối quan hệ như vậy, sẽ chẳng xưởng nào lại muốn bỏ qua bạn để bắt tay với khách.
Thêm nữa, nếu bạn giúp họ tìm được nhiều khách, mở rộng được sản xuất thì thậm chí xưởng sẵn sàng mời bạn về làm việc cho họ chứ không ai lại vì một chút tiền hoa hồng của bạn để rồi bỏ bạn mà làm việc riêng với khách.
Góc độ thứ 2: bạn làm môi giới nhưng nói thật với khách bạn là môi giới.
Với vai trò này, bạn sẽ cần trở thành một người bạn của khách. Giúp khách tiếp cận nhiều nhà cung cấp tiềm năng hơn, chia sẻ những kinh nghiệm về thị trường, về vấn đề chất lượng hàng hóa, giúp khách giải quyết và quản lý các vấn đề với nhà cung cấp.
Ngoài ra với góc độ này, nếu khách có nhu cầu về mặt hàng khác bạn sẽ có cơ hội để tiếp tục hợp tác với khách trong dự án khác.
Tuy nhiên, vai trò này khá vất vả. Khách sẽ đòi hỏi ở bạn khá nhiều thông tin. Đặc biệt là chi phí sản xuất với mục đích mua được giá tốt nhất.
Mình từng bị khách (hiện đang làm việc với mình) hỏi rất nhiều về chi phí sản xuất. Mình phải làm một bảng excel liệt kê mọi thứ. Tất nhiên phải ma số để phù hợp với giá mà xưởng muốn bán. Chứ liệt kê thấp quá, khách lại ép xưởng giảm giá tiếp.
Tuy nhiên, không ai biết được lòng người. Nếu xưởng hoặc khách có ý định bỏ bạn thì hãy coi đó như một trải nghiệm, một chi phí để hiểu lòng một con người.
Nhưng cũng đừng quá lo lắng về điều đó để rồi luôn bận tâm, luôn đề phòng mà không dám làm hết sức.
Thay vào đó, mình nghĩ rằng bạn hãy cho đi trước. Hãy cho đi giá trị của bạn trước thì tự khắc sẽ nhận lại những kết quả.
V. Kết luận
Trên đây là những chia sẻ từ chính bản thân mình khi trải nghiệm qua nghề môi giới xuất khẩu. Tất nhiên, những chia sể này chưa thể đầy đủ mọi góc nhìn của nghề này. Nhưng mình hy vọng vẫn giúp ích cho những người đang có ý định tìm hiểu nghề này có thêm thông tin và tự tin.
Nếu có góp ý gì thêm, mình rất mong nhận được phản hồi và trao đổi cùng mọi người.
Rất mong các bạn ủng hộ và đồng hành cùng mình trên con đường khởi nghiệp này.
web chia sẽ quá nhiều thông tin bổ ích trân thành cảm ơn
Cảm ơn bạn đã ghé thăm và cho lời khen về blog của mình. Điều này giúp mình có thêm nhiều động lực để viết bài chia sẻ.
Bài chia sẻ rất hay , chân thành, hữu ích. Mong sẽ có cơ hội hợp tác
Bài viết rất hay, Tân có thể cho anh sđt để liên lạc trao đổi về nghê được ko
Rất vui khi anh đã ghé thăm blog cá nhân của em. Hiện tại thì em không còn làm về mảng xuất khẩu hay môi giới xuất khẩu nữa ạ. Em hiện chỉ còn tập trung cho mảng Amazon thôi ạ
bài viết của anh rất hay,rất mong em có thể trò chuyện với anh học hỏi thêm kinh nghiệm ạ
Tình cờ tìm đọc được thông tin của bạn. Cảm ơn bạn nhiều.
Blog có những bài viết với rất nhiều kiến thức, đặc biệt với những người đang tìm hiểu về XNK như mình
Em ở Lào Cai muốn làm gian hàng trên amazon về nông sản tây bắc có nên không ạ?
Chào bạn, với câu hỏi của bạn thì rất khó để trả lời chính xác vì nên hay không nên phụ thuộc vào:
1. Mặt hàng bạn muốn bán đã có nhu cầu trên Amazon hay chưa?
2. Yêu cầu ngành hàng trên Amazon cho mặt hàng đó là gì và bạn có thể đáp ứng được những yêu cầu đó?
3. Mức độ cạnh tranh của những sản phẩm đó?
4. Biên lợi nhuận?
5. Tiềm lực tài chính của bạn?
Bạn có thể hình dung bán hàng trên Amazon cũng như việc bạn đang kinh doanh nên nếu muốn tăng khả năng thành công và giảm thiểu rủi ro thì đòi hòi sự đầu tư nghiên cứu, đánh giá rất nhiều yếu tố.